Ngày 22/5 vừa qua tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức “Lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam” với sự tham gia của Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) và 10 doanh nghiệp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam.
Với “cú hích” đến từ dịch bệnh Covid-19, chuyển đổi số được đánh giá sẽ diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực. Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt trong thay đổi mô hình hoạt động, tiết giảm chi phí, duy trì hoạt động để tồn tại và hồi phục mạnh mẽ sau khi dịch đã qua. Một trong những trụ cột quan trọng của chuyển đổi số phải kể đến công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM). Hiện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đều đã chuyển dịch theo xu hướng này và nhu cầu khai thác ĐTĐM cũng đang tăng trưởng mạnh.
Dịch Covid-19 đã buộc nhiều cơ quan, doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, một yếu tố góp phần tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu và ĐTTM.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử. Đây cũng là định hướng để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. Trong thời gian tới Bộ sẽ đánh giá và công bố các nền tảng điện toán đám mây Việt Nam đáp ứng Bộ tiêu chí để các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sử dụng.
Tại sự kiện, Hanoi Telecom cùng 10 doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam đã công bố cam kết tham gia chiến dịch, giảm giá 20% cho tất cả khách hàng đăng ký mới dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam trong thời gian 2 tháng (từ 22/5-22/7) để kích cầu thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động lên môi trường mạng.
Chia sẻ về sự kiện này, bà Nguyễn Hiền Phương – Phó Tổng Giám Đốc Hanoi Telecom cho biết: “Các doanh nghiệp nòng cốt tham gia Lễ phát động hôm nay đều làm chủ về hạ tầng và công nghệ điện toán đám mây, nhờ đó làm chủ về giá thành dịch vụ, không bị phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài. Khi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của đội ngũ kỹ sư Việt Nam đông đảo, việc đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ… cũng là yếu tố vượt trội của doanh nghiệp đám mây trong nước so với nhà cung cấp nước ngoài. Với những ưu điểm này, tôi hy vọng điện toán đám mây sẽ lan tỏa rộng khắp, không chỉ ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà kể cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.”
Đây là hoạt động nhằm xây dựng một hệ sinh thái các doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam làm chủ công nghệ, cung cấp hạ tầng viễn thông và dịch vụ điện toán đám mây đạt chuẩn để từ đó hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, phục hồi tốt hơn trong giai đoạn này.
Trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố Bộ tiêu chí đánh giá các doanh nghiệp điện toán đám mây đạt chuẩn để các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sử dụng, bao gồm: Doanh nghiệp làm chủ về công nghệ điện toán đám mây mà mình đang cung cấp; có hạ tầng riêng cho dịch vụ điện toán đám mây với quy mô từ 1000 server trở lên; và sẵn sàng cung cấp ra thị trường.