Trung tâm dữ liệu đầu tiên đạt chuẩn Uptime TCCF tại Việt Nam
19.11.2020

Công ty TNHH Delta Electronics Việt Nam, đơn vị thành viên thuộc Delta Electronics PCL (Thái Lan) công bố hoàn thành xây dựng và chứng nhận thành công trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Uptime về xây dựng hạ tầng (TCCF) cho HTC-ITC, một đơn vị thành viên thuộc Hanoi Telecom.

Trung tâm dữ liệu xanh mới tọa lạc tại tòa nhà HTC trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, mang đến khả năng kết nối và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng của HTC-ITC.

Dự án trung tâm dữ liệu được thực hiện trong 8 tháng bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng và và lắp đặt thiết bị. Sau khi hoàn thành, trung tâm dữ liệu có quy mô tổng cộng 615 m2, bao gồm 445 m2 dành cho thiết bị CNTT (white space) với 150 tủ rack, 110 m2 dành cho hệ thống điện, UPS, ắc quy và 60 m2 cho các phòng cáp quang.

Các tủ rack được thiết kế với mật độ suất 5kW/Rack, trung tâm dữ liệu có 150 tủ rack với tổng công suất 750 kW + 750 kW giúp nâng cao tính dự phòng của hệ thống điện, đảm bảo cấp nguồn điện liên tục cho các thiết bị CNTT.

Trung tâm dữ liệu có quy mô tổng cộng 615 m2

Để lấy được chứng chỉ TCCF Tie III, dự án phải đảm bảo đặt được các điều kiện sau:

  • Thi công theo đúng thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt trong chứng chỉ thiết kế Tier III TCDD.
  • Tất cả thiết bị lắp đặt thực tế phải trùng khớp với các thiết bị được tuyên bố sử dụng trong khâu thiết kế.
  • Phải vượt qua hơn 52 bài kiểm tra vận hành thực tế để chứng minh thực hiệu quả hoạt động ở chế độ hoạt động bình thường, chế độ cách ly cách ly thiết bị ra để bảo dưỡng, sửa chữa.

Đối với hệ thống điện, điện áp trên thiết bị cách ly phải gần bằng 0, điều này đòi hỏi cáp điện phải đi rất khoa học, dòng điện tải phải cân bằng và nối đất phù hợp. Đối hệ thống làm mát, khi cách ly một điều hòa (tắt điều hòa) không được có điểm nóng cục bộ với nhiệt độ vượt quá 25oC, điều này yêu cầu các điều hòa phải được bố trí rất hợp lý và được mô phỏng nhiệt chi tiết.

Để đảm bảo sự thành công của dự án, Delta đã phối hợp với các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thiết kế trung tâm dữ liệu và thành lập đội ngũ kỹ thuật của dự án với nhiều kỹ sư giỏi ở cả hiện trường lẫn nhà máy. Ngoài ra, Delta cũng đưa vào dự án các thiết bị mới với thiết kế thông minh vượt trội như UPS dạng module, điều hòa làm mát công nghệ Inrow.

So với các trung tâm dữ liệu truyền thống, trung tâm dữ liệu này được thiết kế dưới dạng mô-đun, cho phép lắp đặt dễ dàng và hiệu quả hơn. Kiến trúc trung tâm dữ liệu mô-đun và không gian mở của Delta mang đến cho HTC-ITC những giải pháp mạnh, linh hoạt và bền vững. Trung tâm dữ liệu xanh này có giá trị PUE chỉ 1,4 thấp hơn nhiều so với các trung tâm dữ liệu khác trên thị trường Việt Nam.

Chứng chỉ TCCF của Uptime hoạt động nhằm đảm bảo các trung tâm dữ liệu được xây dựng theo thiết kế và có khả năng đáp ứng những yêu cầu đã xác nhận về tính khả dụng. TCCF giúp bảo vệ khoản đầu tư của khách hàng bằng sự kiểm tra, đánh giá bởi những chuyên gia thẩm định trung lập đến từ tổ chức Uptime Institute.

Trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn Tier III đảm bảo thời gian vận hành (uptime) là 99,982% mỗi năm. Tổng thời gian ngừng hoạt động (downtime) hàng năm tối đa là 94,6 phút hoặc 1,5768 giờ. Không giống như cơ sở đạt chứng chỉ Tier I và Tier II, các thiết bị này hoàn toàn không cần tắt máy trong quá trình bảo trì hoặc thay thế.

Quá trình trung tâm dữ liệu HITC lấy thành công chứng chỉ Tier III (TCCF) của tổ chức uy tín Uptime Institute gồm ba giai đoạn:

1. Chứng chỉ Tier III cho Thiết kế (TCDD) từ tháng 12/2019 và được cấp vào tháng 1/2020

2. Hoàn thành lắp đặt trung tâm dữ liệu và chuẩn bị cho bài kiểm tra TCCF trong từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2020

3. Chứng chỉ Tier III (TCCF) về xây dựng hạ tầng được cấp vào tháng 11/2020

Chủ tịch HĐQT Hanoi Telecom – PGS. TS Phạm Ngọc Lãng được bầu làm Chủ tịch VASA
10.11.2020

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. 

Các đại biểu tham dự đại hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 7/11, tại Hà Nội, Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) tổ chức Đại hội Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA) lần thứ IV (nhiệm kỳ 2020-2025). Tham dự đại hội có gần 150 đại biểu là hội viên cá nhân và 31 hội viên tập thể, đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực hàng không-vũ trụ và các lĩnh vực khoa học có liên quan…

Đại hội đã bầu Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2020 giữ chức Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết Hội kế thừa và phát triển từ Hội Khoa học-kỹ thuật Hàng không được thành lập từ năm 2005.

Đến năm 2010, tại Đại hội lần thứ II, Hội đã đổi tên thành Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam. Là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận, Hội có sứ mệnh chính là kết nối các thành viên cá nhân và tập thể có hoạt động trong lĩnh vực hàng không-vũ trụ và các lĩnh vực có liên quan.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Ngọc Minh, Hàng không-Vũ trụ là một ngành quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh, liên quan đến các hoạt động trong bầu trời và khoảng không vũ trụ.

Các phương tiện kỹ thuật bao gồm, các loại máy bay có người lái, không người lái, cả dân dụng, quân sự, các loại tên lửa có điều khiển, không điều khiển, các loại vệ tinh, tàu vũ trụ, các loại khí cầu…

Trong xu hướng xã hội hóa, Hội đóng vai trò ngày càng quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng to lớn của bầu trời, khoảng không vũ trụ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2016-2020, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam cho biết trong nhiệm kỳ 2016-2020, Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam đã tích cực tổ chức các hoạt động bao gồm: vận động, tập hợp trí thức, duy trì, phát triển tổ chức Hội, làm tốt công tác thông tin, phổ biến kiến thức, công tác phản biện, giám định xã hội.

Đặc biệt, Hội đã đạt được kết quả đáng kể trong lĩnh vực: Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

Nhiệm kỳ 2020-2025, Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động, đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, thiết thực, có hiệu quả; triển khai có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Hội tập hợp, quy tụ, tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho các hội viên tập thể và cá nhân phát huy tiềm năng, năng lực đóng góp cho sự phát triển của ngành Hàng không-Vũ trụ bằng các hoạt động và sản phẩm cụ thể.

Tien sy Pham Ngoc Lang giu chuc Chu tich Hoi Hang khong-Vu tru VN hinh anh 1

Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế tranh thủ, tiếp nhận những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới; ưu tiên, thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng hàng không-vũ trụ, đặc biệt đối với các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, lĩnh vực an ninh- quốc phòng.

Tại Đại hội, các đại biểu biểu quyết đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu thành lập mô hình “Tập đoàn Hàng không-Vũ trụ Việt Nam” (VASA Group) theo loại hình doanh nghiệp 100% phi lợi nhuận với tôn chỉ “Tổ quốc – Nhân dân – Hội viên”.

Tổng đài ảo VPBX của HITC được vinh danh Chuyển đổi số xuất sắc
05.11.2020

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã cổ vũ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ “Made in Vietnam”, đồng thời khuyến khích các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ.

Đại diện HTC-ITC nhận Cúp và chứng nhận dịch vụ Chuyển đổi số xuất sắc từ tay GS. TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và TS. Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đại diện HITC nhận Cúp và chứng nhận dịch vụ Chuyển đổi số xuất sắc từ tay GS. TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và TS. Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Qua quá trình thẩm định sơ khảo và chung khảo công tâm, khách quan của tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards) 2020, dịch vụ Tổng đài ảo VPBX của Công ty cổ phần HTC Viễn thông Quốc tế (HITC – đơn vị thành viên của Hanoi Telecom) đã vượt qua 232 hồ sơ dự thi từ 27 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và 31 đơn vị là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Dịch vụ này được vinh danh ở hạng mục “Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu”.

Trao đổi riêng với VietTimes, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Chủ tịch HĐQT HITC – đánh giá qua 3 mùa tổ chức, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã khẳng định được giá trị, góp phần thiết thực trong việc phổ biến rộng rãi và thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quá trình này đang trở thành xu thế toàn cầu.

“Các đơn vị được vinh danh chính là đơn vị ‘đầu tàu’ trong công cuộc Chuyển đổi số của nước nhà, cùng nhau vì một Việt Nam hùng cường. Hơn nữa, giải thưởng có ý nghĩa cổ vũ các doanh nghiệp phát triển thêm các sản phẩm ‘Make in Vietnam’, đồng thời khuyến khích các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ” – ông Dương bày tỏ.

Ra mắt từ tháng 10/2019, Tổng đài ảo của HITC là dịch vụ tổng đài điện thoại được cung cấp trên nền tảng IP nhằm cung cấp cho khách hàng chất lượng cuộc gọi cao, nghe – gọi mọi lúc mọi nơi thông qua app, tiết kiệm chi phí.

Khách hàng có thể sử dụng các thiết bị đầu cuối IP phone hoặc tận dụng các máy Analog sẵn có thông qua IP gateway hoặc SoftPhone cài đặt trên máy tính, phần mềm cài đặt trên Smartphone để sử dụng dịch vụ – VPBX là một ứng dụng tiện lợi. Đây được coi là giải pháp kết nối nghe – gọi hiệu quả đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị hoạt động kinh doanh online với đội ngũ telesales đông đảo hay các doanh nghiệp hoạt động với nhiều chi nhánh và phòng ban, nơi việc kết nối và đường truyền di động luôn được quan tâm hàng đầu.

Trao đổi về định hướng phát triển dịch vụ Tổng đài ảo VPBX trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần HITC cho biết đang tiến hành nghiên cứu khảo sát khu cầu của khách hàng sau 1 năm sử dụng dịch vụ tổng đài ảo VPBX. Ông nhấn mạnh chính người dùng khó tính sẽ giúp doanh nghiệp sáng tạo để đưa ra những giải pháp thông minh và tiện ích hơn.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các tính năng mới để đáp ứng những nhu cầu của khách hàng. Song song với việc nghiên cứu sản phẩm, Tổng đài ảo VPBX sẽ thúc đẩy phát triển các đại lý, mở rộng thị trường, chú trọng vào khách hàng là các công ty vừa và nhỏ và các tập đoàn đa quốc gia” – ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết sau khi đại diện doanh nghiệp nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020.

Nói thêm về dịch vụ này, ông Dương cho biết Tổng đài ảo VPBX là một trong những sản phẩm, dịch vụ hưởng ứng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Dịch vụ hiện đã áp dụng tối đa tính năng công nghệ mới, giúp khách hàng có những trải nghiệm thông minh và tiện lợi, góp phần thúc đẩy công cuộc Chuyển đổi số với toàn dân.

“Giải thưởng Chuyển đổi số của Hội Truyền thông số Việt Nam giúp khẳng định sự uy tín của doanh nghiệp, độ đáng tin cậy của dịch vụ và khẳng định thương hiệu VPBX của HITC trên thị trường. Đây cũng là động lực để HITC tiếp tục nghiên cứu ra các sản phẩm cho doanh nghiệp, phù hợp với thời đại 4.0” – ông Dương bày tỏ.

Tiếp sức cho sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam vươn ra thế giới

Tại buổi lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 – do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hanoi Telecom có 2 đơn vị thành viên là HITC và VNCS được nhận giải thưởng “Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu”.

Tổng đài ảo VPBX không ngừng hoàn thiện sau khi được vinh danh Chuyển đổi số xuất sắc ảnh 1

Ông Vũ Kiêm Văn (trái) đại diện Ban tổ chức giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 chụp ảnh lưu niệm, chia vui cùng đại diện HITC

Đại diện Hanoi Telecom cho biết, trong thời gian tới, VNCS sẽ mở rộng thị trường dịch vụ SOC của mình vươn ra quốc tế, trước hết là thị trường ASEAN và Nhật Bản. Sau đó là nâng cao các cấu phần dịch vụ như VNCS Threat Intelligence, VNCS Incident Response,… để các dịch vụ có thể bổ sung lẫn nhau, tăng khả năng phân tích dữ liệu. Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 là một trong những minh chứng khẳng định chất lượng và khả năng của VNCS. Hơn nữa, đây là cơ hội lớn để VNCS SOC quảng bá thương hiệu trong thị trường Việt Nam cũng như quốc tế.

Không dừng lại ở đó, Hanoi Telecom đã bước đầu thành công trong việc đưa giải pháp công nghệ số để phục vụ chuyển đổi số tại các xã, huyện địa phương và sắp tới là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chúng tôi đưa ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của bộ máy chính quyền giúp thay đổi toàn diện cách thức tổ chức, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho bộ máy làm việc tại xã, phường. Hiện nay, Hanoi Telecom đang thực hiện chuyển đổi số tại Hồng Thái (Thái Bình), Yên Hoà (Ninh Bình), Vi Hương (Bắc Kạn) và sắp tới sẽ mở rộng thêm tại các địa phương thuộc miền Trung và miền Nam.

Nguồn: Viettimes