Thông điệp V.LUNA: Về việc mở đặt cọc bán đất Dự Án V.LUNA Đợt 1
06.03.2021
Ngày 04/03/2021, Ban Thường vụ mở rộng Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam (VASA) đã họp phiên họp mở rộng bàn và quyết định tiếp tục ưu tiên đầu tư vào dự án “Phát triển quỹ đất trên mặt trăng” tạo thêm sân chơi cho cộng đồng trí thức trẻ, cộng đồng người Việt Nam trong nước và người gốc Việt ở nước ngoài.
Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam đang tiếp tục hoàn tất các thông tin về kỹ thuật, địa vật lý, bản đồ hiện trạng chi tiết và công bố về tọa độ và quy hoạch của dự án cũng như tham khảo cách làm của các dự án đang triển khai trên thế giới. V.LUNA là tên viết tắt của dự án “Phát triển quỹ đất mặt trăng” do VASA phát triển và đăng ký độc quyền, được áp dụng công nghệ Blockchain để đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin không bị thay đổi và đảm bảo mọi quyền lợi của khách hàng tham gia dự án.
Tuy nhiên, để đáp ứng mong mỏi của khách hàng và nguyện vọng của các bạn trẻ yêu không gian vũ trụ, nhân dịp 8/3 và nhân dịp kỷ niệm ngày Vũ trụ Quốc tế 12/4, Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam dự thảo thông điệp tham khảo cộng đồng mạng về việc triển khai nhận đặt cọc mở bán quỹ đất thuộc dự án V.LUNA do Ban Dự án Phát triển quỹ đất mặt trăng trực thuộc VASA làm chủ đầu tư.
Dự án V.LUNA có diện tích 1.331.212km2, đúng bằng diện tích lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam với đa dạng địa hình, có vùng đồi, núi cao, vùng bình nguyên và rất nhiều thung lũng. Ban quản lý đang thuê các chuyên gia xây dựng một thiết kế quy hoạch tổng thể, đặc biệt tối ưu, rút kinh nghiệm từ những tồn tại về quy hoạch hiện trạng trên trái đất. Ban quản lý dự án cũng nghiên cứu xây dựng các chính sách bán đất theo những tôn chỉ văn minh, khách quan, không có chế độ “xin cho”, không có chế độ “lợi ích nhóm” để tạo tiền đề xây dựng cuộc sống văn hoá – văn minh phù hợp trong vũ trụ.
Thông tin đặt hàng:
Khi đặt hàng, khách hàng điền đầy đủ các thông tin theo mẫu do VASA phát hành, trong đó ghi rõ nhu cầu sử dụng đất để được bố trí theo quy hoạch phù hợp, đặc biệt khách hàng phải cam kết tuân thủ tuyệt đối các tiêu chí liên quan đến mục đích sử dụng đất, bảo vệ môi trường và các tiêu chí văn hóa phù hợp với đời sống không trọng lượng trên mặt trăng.
Ban Quản lý xây dựng giá khởi điểm như sau:
400,000 vnđ (bốn trăm nghìn đồng)/mẫu đất mặt trăng ở vùng thung lũng
500,000 vnđ (năm trăm nghìn đồng)/mẫu đất mặt trăng ở vùng bình nguyên
1,000,000 vnđ (một triệu đồng)/mẫu đất mặt trăng ở vùng đồi thấp
5,000,000 vnđ (năm triệu đồng)/mẫu đất mặt trăng ở vùng núi cao từ 300m – 500m
10,000,000 vnđ (mười triệu đồng)/mẫu đất mặt trăng ở vùng núi cao từ 500m – 1000m
Không bán đất ở khu vực cao trên 1000m, chỉ dùng phục vụ công trình công cộng và đất quốc phòng bảo vệ mặt trăng.
Mức giá này có thể được điều chỉnh hàng năm theo tình hình thị trường đất chung trên mặt trăng.
Nhân dịp 8/3 năm nay, Ban quản lý V.LUNA trân trọng giới thiệu đến những khách hàng quan tâm chương trình “Đặt cọc mua đất trên mặt trăng” với mức giá ưu đãi dành tặng bản thân, người thân, bạn bè, v.v. Chi tiết chương trình như sau:
Mức giá đặt cọc:
100,000 vnđ (một trăm nghìn đồng)/mẫu đất khu vực thung lũng
110,000 vnđ (một trăm mười nghìn đồng)/mẫu đất khu vực bình nguyên
Mỗi đơn hàng mua đất trên mặt trăng bao gồm các văn bản sau:
Giấy chứng nhận đất bao gồm vị trí đất, lô đất, vị trí kinh độ vĩ độ; có thể chọn in hoặc không in tên của chủ sở hữu trên giấy chứng nhận; mọi thông tin được xác thực và bảo vệ tính toàn vẹn thông tin bằng công nghệ Blockchain.
Bản đồ hiện trạng mặt trăng: đánh dấu vị trí chính xác của mẫu đất trên mặt trăng theo kinh độ, vĩ độ, vị trí số lô.
Khi không còn nhu cầu sở hữu, chủ sở hữu có thể tự chuyển nhượng theo giá thỏa thuận, thậm chí giá được đặt trên ngưỡng cao và rất cao; Ban quản lý dự án có trách nhiệm xác nhận giao dịch chuyển nhượng, hỗ trợ thủ tục hồ sơ chuyển nhượng có liên quan, xác nhận và bảo hộ quyền lợi khách hàng với mức lệ phí 1% trên giá chuyển nhượng.
Do quỹ đất hữu hạn còn dự trữ để xây dựng rất nhiều công trình công cộng nên Ban quản lý đề xuất mỗi cá nhân chỉ giới hạn đặt cọc mua một mẫu đất.
Lưu ý: Trong trường hợp vì những lý do chủ quan từ phía VASA mà dự án không thể triển khai, Ban quản lý dự án cam kết sẽ hoàn trả lại 100% số tiền đặt cọc cộng thêm lãi suất theo lãi suất ngân hàng thương mại Việt Nam cho khách hàng. Tuy nhiên nếu dự án không thể triển khai vì những lý do khách quan, bất khả kháng chẳng hạn như những tác động đến từ sự va chạm giữa các hành tinh thì mong quý khách hàng thông cảm và chịu rủi ro cùng với VASA.
Ý kiến khách hàng:
Khi phát hành phiếu thăm dò đánh giá nhu cầu khách hàng, Ban Quản lý dự án V.LUNA nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi khác nhau, xin trích dẫn một số ý kiến điển hình:
“Dự án thật mù mờ”, “Lừa đảo trên mặt đất chưa đủ còn dụ nhau lên mặt trăng mà lừa”, “Hay đấy, một canh bạc mới”, “Biết đâu thắng to”, “Chuyện như đùa”, “Hay thế chơi thôi”, “Đúng là dự án thằng Cuội”, “Một hình thức kinh doanh rủi ro”, “Giá một mẫu đất chỉ bằng một bát phở trong khách sạn, rẻ quá”, “Hay đấy, có thêm chuyện để tán gái”, “Biết đâu trúng quả vớ được mỏ kim cương”, “Mua dăm mẫu đất để trồng rau sạch”, “Tôi sẽ mua”, “Dành tiền mua xổ số còn an toàn hơn gá bạc lên vũ trụ”, “Trúng số tậu hoa hậu”, “Giá khởi điểm 500,000 vnđ/mẫu đất, giá sang tay có khi bạc tỷ, vậy có khủng không”, v.v.
Giải đáp thắc mắc:
Phân nửa ý kiến trong bản tổng hợp ý kiến thăm dò khách hàng phản đối dự án; 40% số phiếu không có ý kiến; chỉ có 10% ý kiến thăm dò vừa ủng hộ, vừa hoài nghi, băn khoăn. Tuy vậy, Ban Quản lý V.LUNA vẫn tự tin triển khai dự án vì tin tưởng rằng trong số 40% khách hàng chưa có ý kiến có thể quý vị đang suy nghĩ, nghiên cứu và rất có thể cùng với thời gian sẽ có hứng thú với dự án.
Trong sách giảng về kinh doanh có môn “Lý thuyết trò chơi”. Ai có khả năng giải tốt bài toán trong “Lý thuyết trò chơi”, người đó có thể sẽ thành công lớn trên thương trường. Có ý kiến “Dự án mù mờ” cũng đúng, nhà Phật có câu “Tu thì phải tự ngộ”, ý là muốn tu trở thành Bồ Tát, La Hán mà chỉ bảo ra hết mọi nhẽ cho người tu thì chẳng lẽ loài người tất cả đều thành Tiên, thành Phật hay Bồ Tát, La Hán hết thì còn ai là dân?
Có ý kiến nhắc đến từ “canh bạc”, ý kiến này có phần đúng nhưng không hoàn toàn đúng, nếu đúng phải nói đây có thể là “siêu canh bạc không gian” vì nay bạn đặt cọc 100,000 vnđ, được VASA xác nhận và bảo hộ; một tuần sau đó có người thích thú, muốn mua nhưng hết đợt mở đặt cọc dự án, V.LUNA tạm đóng chưa mở đợt 2, nhu cầu người mua tặng đất cho người thân tăng cao, bạn có thể chào bán, chuyển nhượng lại “quyền đặt cọc” với hệ số không phải vài trăm phần trăm mà là một “hàm mũ bậc cao” thì chẳng phải đây là một “siêu canh bạc”?
Có ý kiến nói “Trúng số tậu hoa hậu”, đây cũng là một ý kiến thú vị, chẳng hạn bạn đặt cọc mua một khu vực cao trên bình độ 305m, 307m là những con số may mắn mà trong quy hoạch, trong hiện trạng địa lý mặt trăng có những khu vực có bình độ cao như vậy; thế là bạn có thể đặt mua, nhận giấy chứng nhận và đặt tên theo ý của bạn và biết đâu khu vực đó lại là mỏ toàn kim cương, đá quý. Khi đó bạn có thể sẽ rất giàu có và việc “tậu hoa hậu”, thậm chí là “tậu minh tinh màn bạc” là điều hoàn toàn có thể.
Có ý kiến lại nói “Dụ nhau lên mặt trăng mà lừa”. Có thể bạn chưa biết, đã có nhiều sàn giao dịch trên thế giới mở bán các dự án đất mặt trăng với diện tích giao dịch thành công lên đến hàng triệu mẫu đất. Và ý kiến trên là hoàn toàn không đúng với VASA. Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam đã tuyên thệ trong đại hội nhiệm kỳ 2021 – 2025, mọi hoạt động, dịch vụ tại VASA đều là phi lợi nhuận, lợi nhuận có được chỉ để đầu tư, tài trợ cho các tài năng trí thức trẻ nghiên cứu phát triển sự nghiệp hàng không – vũ trụ của nước nhà. Các thành viên ban lãnh đạo VASA tuyên thệ không nhận lương, nhận thù lao, minh bạch tuyệt đối và nhất mực vì sự phát triển của Hội.
Đối với dự án V.LUNA, nguồn thu từ giá bán mẫu đất được công bố một cách minh bạch, ai yêu thích mặt trăng thì có thể lựa chọn, thêm đó dự án có nguồn thu từ nguồn thu phí 1% dịch vụ từ các giao dịch chuyển nhượng. Tất cả là để phát triển dự án và phụng sự cho các thế hệ trẻ đam mê nghiên cứu vũ trụ.
Cũng có ý kiến như “Chuyện như đùa”, thật sự đây không phải chuyện đùa đâu các bạn. Theo công bố của tạp chí của Mỹ hiện 7,5% đất mặt trăng đã được bán, đã có chủ nên việc khởi động dự án V.LUNA tại thời điểm này là hoàn toàn phù hợp, nếu chậm chân chúng ta sẽ mất cơ hội. Cũng như câu chuyện Bitcoin, cách đây ít lâu khi nói đến Bitcoin, đến “đào” Bitcoin là chuyện như đùa thì nay đồng tiền ảo Bitcoin đã trở thành đồng tiền được thừa nhận trong giao dịch quốc tế, mang tính phổ biến và hiệu quả. Đúng là có thể dự án V.LUNA chỉ dành cho các bạn có đam mê vũ trụ, thích thú và mong muốn được trải nghiệm cuộc sống trên mặt trăng, một miền đất hứa, chưa hề ô nhiễm. Hy vọng nơi ấy sẽ đem lại hạnh phúc tuyệt vời cho các bạn.
Nguồn: vasa.com.vn
Thông báo Logo 20 năm Hanoi Telecom
04.01.2021
Kính gửi Quý khách hàng và Đối tác!
Tổng Công ty Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) xin chân thành cảm ơn sự tín nhiệm và hợp tác của Quý khách hàng và Đối tác trong thời gian vừa qua. Trải qua gần 20 năm hoạt động, Hanoi Telecom đã có những bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Để kỷ niệm cho cột mốc trọng đại, đánh dấu cho chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, công ty xin trân trọng thông báo sẽ thay đổi logo nhận diện mới kể từ ngày 01/01/2021.
Ý nghĩa của Logo mới:
Dấu chấm ở chữ “i” được kết nối với số 0 bằng một đường quỹ đạo cong nằm ngang vút lên để kết nối năm kỷ niệm với tên thương hiệu. Mang ý nghĩa ẩn dụ từ hình tròn nhỏ phóng đại thành hình tròn khổng lồ thể hiện hành trình thành lập, vun đắp, phát triển và bứt phá. Số “0” được cách điệu với hình ảnh là trái đất thể hiện một Hanoi Telecom của 20 năm lớn mạnh vươn ra toàn cầu.
Xin trân trọng thông báo và kính chúc Quý khách hàng, Đối tác thành công hơn nữa trong hoạt động kinh doanh của mình.
Hanoi Telecom
Hanoi Telecom tổ chức các chương trình “Lớp học yêu thương”
28.12.2020
Ngày 24/12/2020, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với nhóm thực hiện chương trình “Lớp học yêu thương” do Tổng công ty Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) phát động đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng trường Tiểu học Cồn Sẻ (Quảng Bình) với tổng số tiền tài trợ là 2 tỷ đồng.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hướng đến chương trình “Lớp học yêu thương”. Trước đó, vào ngày 13/12/2020, Hanoi Telecom cũng đã tham dự Lễ khánh thành trường Mầm non Coóc Coọc (Hà Giang) do công ty kêu gọi ủng hộ từ hồi tháng 08/2020.
Tham dự Lễ khánh thành có ông Vũ Đại Thắng – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, bà Nguyễn Hiền Phương – Phó Tổng giám đốc Hanoi Telecom cùng đại diện chính quyền địa phương, CBNV Hanoi Telecom, các em học sinh và nhân dân trên địa bàn. Tại buổi lễ, đại diện UBND tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp quý báu của Hanoi Telecom cùng các nhà tài trợ, mong muốn trong thời gian tới công ty, nhà tài trợ có nhiều hoạt động trợ giúp xã hơn nữa, đặc biệt nhân rộng dự án “Lớp học yêu thương” tại những nơi còn nhiều khó khăn trên địa bàn thị xã Ba Đồn cũng như tỉnh Quảng Bình.
Vào tháng 10/2020 vừa qua, miền Trung nước ta đã chịu sự ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi bão lũ, Hanoi Telecom đã phát động các công ty thành viên cùng toàn thể CBNV chung tay ủng hộ. Tổng số tiền quyên góp được tiến hành nhằm xây dựng trường học cho các em nhỏ nơi đây với tổng số tiền là 2 tỷ đồng. Tổng số tiền ủng hộ đến từ các công ty thành viên của Hanoi Telecom (HTC-ITC, HTE, Vietnamobile, VNCS, NMS, ICOMM); Gia đình ông Phạm Dương Châu; Gia đình bà Trịnh Minh Châu và toàn thể CBNV thuộc Hanoi Telecom.
Trường Tiểu học Cồn Sẻ có 18 lớp học với 521 học sinh, nằm trên địa bàn cồn bãi, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc biệt chịu nhiều thiệt hại trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua. Với mong muốn tạo cho các em có điều kiện học tập đẩy đủ, Hanoi Telecom đã chung tay kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên và các nhà hảo tâm cùng nhau xây dựng “Lớp học yêu thương” tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ với dãy nhà 2 tầng, gồm 4 phòng học, công trình phụ trợ, diện tích sàn 320 m2, tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối tháng 4/2021. Công trình sẽ đáp ứng điều kiện thuận lợi trong việc dạy và học của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Chương trình “Lớp học yêu thương” được Hanoi Telecom phát động nhằm mục đích kêu gọi quyên góp, ủng hộ để xây trường học tại các địa phương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình hướng đến đối tượng là các em nhỏ đang trong độ tuổi đến trường – Những mầm non tương lai của đất nước. Chương trình đã thực hiện xây 2 trường học kể từ tháng 08/2020 là trường Mầm non Coóc Coọc (Hà Giang) và nay là trường Tiểu học Cồn Sẻ (Quảng Bình). Dự kiến, chương trình sẽ tiếp tục kêu gọi ủng hộ và tiến hành xây dựng các điểm trường tại các địa bàn đặc biệt khó khăn trong tương lai.
Bên cạnh việc thực hiện xây trường thì Hanoi Telecom cũng đã tiến hành tặng 10 máy lọc nước cộng đồng cho 5 điểm trường tại thị xã Ba Đồn. Đại diện các trường học tại địa bàn đã ghi nhận và cảm ơn công ty đã tặng những phần quà hết sức thiết thực cho trường.
Tổng kết chương trình “Lớp học yêu thương” năm 2020, Hanoi Telecom hy vọng sẽ nhận được sự chung tay ủng hộ từ phía các doanh nghiệp, đơn vị thành viên cùng toàn thể CBNV trong các chương trình, hoạt động chung tay vì cộng đồng. Năm 2020, Hanoi Telecom cũng đã có nhiều thành tích nổi bật như đạt các giải thưởng như: Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN, Top 10 Doanh nghiệp viễn thông và CNTT uy tín. Tiến tới năm 2021, Hanoi Telecom sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập, doanh nghiệp này đặt mục tiêu sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ và viễn thông tại Việt Nam.
HITC tham gia Ngày Internet Việt Nam 2020
17.12.2020
Ngày 16/12/2020 vừa qua, Công ty Cổ phần HTC Viễn thông Quốc tế (HITC) đã tham gia Hội thảo, triển lãm Ngày Internet Việt Nam (Internet Day 2020).
Với chủ đề “Hiện thực hóa khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam”, Hội thảo năm nay xoay quanh các vấn đề về: Điện toán Đám mây (Cloud); Công nghệ 5G; Công nghệ Mã nguồn mở (FOSS); Công nghệ Make-in-Vietnam. Sự kiện có sự góp mặt của đông đảo đội ngũ các chuyên gia về công nghệ cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo
Tại triển lãm, HITC đã giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ và những dự án mà công ty đang đẩy mạnh triển khai kinh doanh như: Trung tâm dữ liệu ecoDC, Trung tâm Đào tạo Lập trình TekMonk, dịch vụ mạng, dịch vụ thoại… Gian hàng triển lãm của HITC đã thu hút rất nhiều quan khách ghé thăm, đặt ra những câu hỏi và thắc mắc dành cho phía công ty.
Trong phiên báo cáo các chuyên đề, đại diện của HITC là TS. Nguyễn Hoàng Dương – Phó chủ tịch HĐQT HITC đã trình bày về chủ đề: “Điện toán đám mây trong quá trình thực hiện hóa Khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam”. Phần báo cáo của ông đã nhấn mạnh lợi ích của Điện toán đám mây giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua việc cộng hưởng với các yếu tố cốt lõi trong doanh nghiệp, đồng thời cũng thể hiện được tầm quan trọng và sự cần thiết của Điện toán đám mây đối với việc phát triển doanh nghiệp trong tương lai.
Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó chủ tịch HĐQR HITC trình bày tại Hội thảo
Trả lời phỏng vấn với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Dương nhận định về một số những lợi ích mà Cloud giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn: “Cloud giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong dòng vốn, doanh nghiệp không phải phụ thuộc vào đầu tư về hạ tầng, phần cứng ban đầu; Cloud cũng dễ dàng mở rộng/ thu hẹp hệ thống phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế trong từng giai đoạn, thông qua các công cụ quản trị từ xa; Mức độ nhanh, linh hoạt có thể mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp sao lưu và phục hồi dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây…”.
Hiện tại HITC là đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan đến mạng Internet như cung cấp đường truyền mạng cho các tòa nhà, chung cư, các doanh nghiệp và các dịch vụ thoại như cung cấp các đầu số 1900, 1800, tổng đài cố định, tổng đài ảo… Bên cạnh đó, công ty còn có 2 trung tâm là trung tâm đào tạo và trung tâm dữ liệu.
Trung tâm dữ liệu ecoDC tọa lạc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, là Trung tâm đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ Uptime về Xây dựng (TCCD) và Thiết kế (TCCF). Dự kiến Trung tâm sẽ cho ra mắt các dịch vụ về cung cấp hosting, cloud, data center trong thời gian tới.
Trung tâm đào tạo về lập trình Tekmonk là nơi ươm mầm những tài năng trẻ có niềm đam mê về công nghệ thông tin, đặc biệt là lập trình phần mềm. Trung tâm sẽ tập trung đào tạo ra những thế hệ mới đi đầu về công nghệ trong tương lai.
Tổng kết chương trình Ngày Internet Việt Nam 2020, các doanh nghiệp về công nghệ cũng đã có cái nhìn tổng thể về chặng đường phát triển hơn 20 năm của Internet Việt Nam. Định hướng chuyển đổi số đang là mục đích cũng như xu hướng của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, HITC hay những doanh nghiệp công nghệ đang chung tay xây dựng nền tảng, hệ sinh thái số bằng việc phát triển các dịch vụ, giải pháp công nghệ phục vụ cho nhu cầu, lợi ích của toàn thể xã hội.
Hanoi Telecom tham gia Hội thảo, triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020
03.12.2020
Vào ngày 02/12/2020 vừa qua, Tổng Công ty Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) đã tham dự Hội thảo, triển lãm quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020”. Đây là sự kiện nổi bật và có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin (ATTT) tại Việt Nam.
Với chủ đề “An toàn, an ninh mạng – nhân tố cốt lõi trong chuyển đổi quốc gia”, Hội thảo năm nay sẽ tập trung vào phân tích tầm nhìn, định hướng của Chính phủ về tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam; Chính sách, thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ, giải pháp an toàn thông tin (ATTT) trong giai đoạn Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Tại sự kiện, Hanoi Telecom cũng đã giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp tại gian hàng triển lãm. Hiện nay, Hanoi Telecom đang triển khai kinh doanh nhiều nhóm sản phẩm, dịch vụ như: Công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ kỹ thuật, năng lượng xanh, logistics, bất động sản,… Tới với gian hàng của Hanoi Telecom, ngoài việc được tư vấn, giới thiệu về các sản phẩm dịch vụ, quan khách còn được tặng những phần quà lưu niệm nhỏ như: Sổ tay, mũ bảo hiểm, áo mưa, balo rút,…
Bà Nguyễn Hiền Phương – Phó Tổng Giám đốc Hanoi Telecom (Người đứng 3 tính từ phải sang)
Cũng tại sự kiện, Hanoi Telecom đã có phần trình bày báo cáo chuyên đề của ông Khổng Huy Hùng – Tổng giám đốc Công ty VNCS (Đơn vị thành viên của Hanoi Telecom) về chủ đề “Việt Nam đón đầu xu hướng dịch chuyển dịch vụ an toàn, an ninh mạng”.
Dịch vụ VNCS SOC của VNCS vừa đạt giải thưởng chuyển đổi số, ông Hùng chia sẻ thêm: “VNCS SOC tự hào là dịch vụ chuẩn Make in Vietnam, Trong thời gian tới, VNCS muốn mở rộng thị trường dịch vụ SOC của mình vươn ra quốc tế, trước hết là thị trường ASEAN và Nhật Bản. Sau đó là nâng cao các cấu phần dịch vụ như VNCS Threat Intelligence, VNCS Incident Response,… để các dịch vụ có thể bổ sung lẫn nhau, tăng khả năng phân tích dữ liệu.
Hanoi Telecom chụp ảnh lưu niệm cùng ông Khổng Huy Hùng – Tổng Giám đốc VNCS – Phó chủ tịch hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam
Phần tọa đàm với chủ đề “Nền tảng điện toán đám mây Việt Nam an toàn phục vụ chuyển đổi số quốc gia” do các diễn giả là đại diện các doanh nghiệp công nghệ và viễn thông chia sẻ. Tại tọa đàm, bà Nguyễn Hiền Phương – Phó Tổng Giám đốc Hanoi Telecom đã bày tỏ những mong muốn rằng Nhà nước cần có những chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số một cách đồng bộ, chống độc quyền để không có doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho công cuộc chuyển đổi số, sẵn sàng chống chọi với những khó khăn, thách thức trong tương lai thì Hanoi Telecom cũng sẽ tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi như: Hạ tầng, công nghệ và con người.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm
Bà cũng chia sẻ rằng: “Hanoi Telecom luôn nhanh chóng ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại cũng như đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghệ mới. Tất cả nhằm đảm bảo cho việc ứng dụng các dịch vụ trung tâm dữ liệu đảm bảo an toàn, bảo mật và thuận tiện nhất cho ứng dụng Chính phủ, kinh tế và xã hội cũng như tính sẵn sàng cho xử lý dữ liệu trong tương lai”.
Dưới đây là một số hình ảnh tại gian hàng:
Trung tâm dữ liệu đầu tiên đạt chuẩn Uptime TCCF tại Việt Nam
19.11.2020
Công ty TNHH Delta Electronics Việt Nam, đơn vị thành viên thuộc Delta Electronics PCL (Thái Lan) công bố hoàn thành xây dựng và chứng nhận thành công trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Uptime về xây dựng hạ tầng (TCCF) cho HTC-ITC, một đơn vị thành viên thuộc Hanoi Telecom.
Trung tâm dữ liệu xanh mới tọa lạc tại tòa nhà HTC trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, mang đến khả năng kết nối và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng của HTC-ITC.
Dự án trung tâm dữ liệu được thực hiện trong 8 tháng bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng và và lắp đặt thiết bị. Sau khi hoàn thành, trung tâm dữ liệu có quy mô tổng cộng 615 m2, bao gồm 445 m2 dành cho thiết bị CNTT (white space) với 150 tủ rack, 110 m2 dành cho hệ thống điện, UPS, ắc quy và 60 m2 cho các phòng cáp quang.
Các tủ rack được thiết kế với mật độ suất 5kW/Rack, trung tâm dữ liệu có 150 tủ rack với tổng công suất 750 kW + 750 kW giúp nâng cao tính dự phòng của hệ thống điện, đảm bảo cấp nguồn điện liên tục cho các thiết bị CNTT.
Trung tâm dữ liệu có quy mô tổng cộng 615 m2
Để lấy được chứng chỉ TCCF Tie III, dự án phải đảm bảo đặt được các điều kiện sau:
Thi công theo đúng thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt trong chứng chỉ thiết kế Tier III TCDD.
Tất cả thiết bị lắp đặt thực tế phải trùng khớp với các thiết bị được tuyên bố sử dụng trong khâu thiết kế.
Phải vượt qua hơn 52 bài kiểm tra vận hành thực tế để chứng minh thực hiệu quả hoạt động ở chế độ hoạt động bình thường, chế độ cách ly cách ly thiết bị ra để bảo dưỡng, sửa chữa.
Đối với hệ thống điện, điện áp trên thiết bị cách ly phải gần bằng 0, điều này đòi hỏi cáp điện phải đi rất khoa học, dòng điện tải phải cân bằng và nối đất phù hợp. Đối hệ thống làm mát, khi cách ly một điều hòa (tắt điều hòa) không được có điểm nóng cục bộ với nhiệt độ vượt quá 25oC, điều này yêu cầu các điều hòa phải được bố trí rất hợp lý và được mô phỏng nhiệt chi tiết.
Để đảm bảo sự thành công của dự án, Delta đã phối hợp với các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thiết kế trung tâm dữ liệu và thành lập đội ngũ kỹ thuật của dự án với nhiều kỹ sư giỏi ở cả hiện trường lẫn nhà máy. Ngoài ra, Delta cũng đưa vào dự án các thiết bị mới với thiết kế thông minh vượt trội như UPS dạng module, điều hòa làm mát công nghệ Inrow.
So với các trung tâm dữ liệu truyền thống, trung tâm dữ liệu này được thiết kế dưới dạng mô-đun, cho phép lắp đặt dễ dàng và hiệu quả hơn. Kiến trúc trung tâm dữ liệu mô-đun và không gian mở của Delta mang đến cho HTC-ITC những giải pháp mạnh, linh hoạt và bền vững. Trung tâm dữ liệu xanh này có giá trị PUE chỉ 1,4 thấp hơn nhiều so với các trung tâm dữ liệu khác trên thị trường Việt Nam.
Chứng chỉ TCCF của Uptime hoạt động nhằm đảm bảo các trung tâm dữ liệu được xây dựng theo thiết kế và có khả năng đáp ứng những yêu cầu đã xác nhận về tính khả dụng. TCCF giúp bảo vệ khoản đầu tư của khách hàng bằng sự kiểm tra, đánh giá bởi những chuyên gia thẩm định trung lập đến từ tổ chức Uptime Institute.
Trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn Tier III đảm bảo thời gian vận hành (uptime) là 99,982% mỗi năm. Tổng thời gian ngừng hoạt động (downtime) hàng năm tối đa là 94,6 phút hoặc 1,5768 giờ. Không giống như cơ sở đạt chứng chỉ Tier I và Tier II, các thiết bị này hoàn toàn không cần tắt máy trong quá trình bảo trì hoặc thay thế.
Quá trình trung tâm dữ liệu HITC lấy thành công chứng chỉ Tier III (TCCF) của tổ chức uy tín Uptime Institute gồm ba giai đoạn:
1. Chứng chỉ Tier III cho Thiết kế (TCDD) từ tháng 12/2019 và được cấp vào tháng 1/2020
2. Hoàn thành lắp đặt trung tâm dữ liệu và chuẩn bị cho bài kiểm tra TCCF trong từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2020
3. Chứng chỉ Tier III (TCCF) về xây dựng hạ tầng được cấp vào tháng 11/2020
Chủ tịch HĐQT Hanoi Telecom – PGS. TS Phạm Ngọc Lãng được bầu làm Chủ tịch VASA
10.11.2020
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.
Sáng 7/11, tại Hà Nội, Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) tổ chức Đại hội Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA) lần thứ IV (nhiệm kỳ 2020-2025). Tham dự đại hội có gần 150 đại biểu là hội viên cá nhân và 31 hội viên tập thể, đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực hàng không-vũ trụ và các lĩnh vực khoa học có liên quan…
Đại hội đã bầu Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2020 giữ chức Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết Hội kế thừa và phát triển từ Hội Khoa học-kỹ thuật Hàng không được thành lập từ năm 2005.
Đến năm 2010, tại Đại hội lần thứ II, Hội đã đổi tên thành Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam. Là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận, Hội có sứ mệnh chính là kết nối các thành viên cá nhân và tập thể có hoạt động trong lĩnh vực hàng không-vũ trụ và các lĩnh vực có liên quan.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Ngọc Minh, Hàng không-Vũ trụ là một ngành quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh, liên quan đến các hoạt động trong bầu trời và khoảng không vũ trụ.
Các phương tiện kỹ thuật bao gồm, các loại máy bay có người lái, không người lái, cả dân dụng, quân sự, các loại tên lửa có điều khiển, không điều khiển, các loại vệ tinh, tàu vũ trụ, các loại khí cầu…
Trong xu hướng xã hội hóa, Hội đóng vai trò ngày càng quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng to lớn của bầu trời, khoảng không vũ trụ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2016-2020, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam cho biết trong nhiệm kỳ 2016-2020, Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam đã tích cực tổ chức các hoạt động bao gồm: vận động, tập hợp trí thức, duy trì, phát triển tổ chức Hội, làm tốt công tác thông tin, phổ biến kiến thức, công tác phản biện, giám định xã hội.
Đặc biệt, Hội đã đạt được kết quả đáng kể trong lĩnh vực: Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…
Nhiệm kỳ 2020-2025, Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động, đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, thiết thực, có hiệu quả; triển khai có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn.
Hội tập hợp, quy tụ, tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho các hội viên tập thể và cá nhân phát huy tiềm năng, năng lực đóng góp cho sự phát triển của ngành Hàng không-Vũ trụ bằng các hoạt động và sản phẩm cụ thể.
Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế tranh thủ, tiếp nhận những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới; ưu tiên, thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng hàng không-vũ trụ, đặc biệt đối với các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, lĩnh vực an ninh- quốc phòng.
Tại Đại hội, các đại biểu biểu quyết đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu thành lập mô hình “Tập đoàn Hàng không-Vũ trụ Việt Nam” (VASA Group) theo loại hình doanh nghiệp 100% phi lợi nhuận với tôn chỉ “Tổ quốc – Nhân dân – Hội viên”.
Tổng đài ảo VPBX của HITC được vinh danh Chuyển đổi số xuất sắc
05.11.2020
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã cổ vũ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ “Made in Vietnam”, đồng thời khuyến khích các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ.
Đại diện HITC nhận Cúp và chứng nhận dịch vụ Chuyển đổi số xuất sắc từ tay GS. TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và TS. Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Qua quá trình thẩm định sơ khảo và chung khảo công tâm, khách quan của tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards) 2020, dịch vụ Tổng đài ảo VPBX của Công ty cổ phần HTC Viễn thông Quốc tế (HITC – đơn vị thành viên của Hanoi Telecom) đã vượt qua 232 hồ sơ dự thi từ 27 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và 31 đơn vị là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Dịch vụ này được vinh danh ở hạng mục “Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu”.
Trao đổi riêng với VietTimes, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Chủ tịch HĐQT HITC – đánh giá qua 3 mùa tổ chức, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã khẳng định được giá trị, góp phần thiết thực trong việc phổ biến rộng rãi và thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quá trình này đang trở thành xu thế toàn cầu.
“Các đơn vị được vinh danh chính là đơn vị ‘đầu tàu’ trong công cuộc Chuyển đổi số của nước nhà, cùng nhau vì một Việt Nam hùng cường. Hơn nữa, giải thưởng có ý nghĩa cổ vũ các doanh nghiệp phát triển thêm các sản phẩm ‘Make in Vietnam’, đồng thời khuyến khích các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ” – ông Dương bày tỏ.
Ra mắt từ tháng 10/2019, Tổng đài ảo của HITC là dịch vụ tổng đài điện thoại được cung cấp trên nền tảng IP nhằm cung cấp cho khách hàng chất lượng cuộc gọi cao, nghe – gọi mọi lúc mọi nơi thông qua app, tiết kiệm chi phí.
Khách hàng có thể sử dụng các thiết bị đầu cuối IP phone hoặc tận dụng các máy Analog sẵn có thông qua IP gateway hoặc SoftPhone cài đặt trên máy tính, phần mềm cài đặt trên Smartphone để sử dụng dịch vụ – VPBX là một ứng dụng tiện lợi. Đây được coi là giải pháp kết nối nghe – gọi hiệu quả đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị hoạt động kinh doanh online với đội ngũ telesales đông đảo hay các doanh nghiệp hoạt động với nhiều chi nhánh và phòng ban, nơi việc kết nối và đường truyền di động luôn được quan tâm hàng đầu.
Trao đổi về định hướng phát triển dịch vụ Tổng đài ảo VPBX trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần HITC cho biết đang tiến hành nghiên cứu khảo sát khu cầu của khách hàng sau 1 năm sử dụng dịch vụ tổng đài ảo VPBX. Ông nhấn mạnh chính người dùng khó tính sẽ giúp doanh nghiệp sáng tạo để đưa ra những giải pháp thông minh và tiện ích hơn.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các tính năng mới để đáp ứng những nhu cầu của khách hàng. Song song với việc nghiên cứu sản phẩm, Tổng đài ảo VPBX sẽ thúc đẩy phát triển các đại lý, mở rộng thị trường, chú trọng vào khách hàng là các công ty vừa và nhỏ và các tập đoàn đa quốc gia” – ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết sau khi đại diện doanh nghiệp nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020.
Nói thêm về dịch vụ này, ông Dương cho biết Tổng đài ảo VPBX là một trong những sản phẩm, dịch vụ hưởng ứng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Dịch vụ hiện đã áp dụng tối đa tính năng công nghệ mới, giúp khách hàng có những trải nghiệm thông minh và tiện lợi, góp phần thúc đẩy công cuộc Chuyển đổi số với toàn dân.
“Giải thưởng Chuyển đổi số của Hội Truyền thông số Việt Nam giúp khẳng định sự uy tín của doanh nghiệp, độ đáng tin cậy của dịch vụ và khẳng định thương hiệu VPBX của HITC trên thị trường. Đây cũng là động lực để HITC tiếp tục nghiên cứu ra các sản phẩm cho doanh nghiệp, phù hợp với thời đại 4.0” – ông Dương bày tỏ.
Tiếp sức cho sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam vươn ra thế giới
Tại buổi lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 – do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hanoi Telecom có 2 đơn vị thành viên là HITC và VNCS được nhận giải thưởng “Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu”.
Ông Vũ Kiêm Văn (trái) đại diện Ban tổ chức giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 chụp ảnh lưu niệm, chia vui cùng đại diện HITC
Đại diện Hanoi Telecom cho biết, trong thời gian tới, VNCS sẽ mở rộng thị trường dịch vụ SOC của mình vươn ra quốc tế, trước hết là thị trường ASEAN và Nhật Bản. Sau đó là nâng cao các cấu phần dịch vụ như VNCS Threat Intelligence, VNCS Incident Response,… để các dịch vụ có thể bổ sung lẫn nhau, tăng khả năng phân tích dữ liệu. Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 là một trong những minh chứng khẳng định chất lượng và khả năng của VNCS. Hơn nữa, đây là cơ hội lớn để VNCS SOC quảng bá thương hiệu trong thị trường Việt Nam cũng như quốc tế.
Không dừng lại ở đó, Hanoi Telecom đã bước đầu thành công trong việc đưa giải pháp công nghệ số để phục vụ chuyển đổi số tại các xã, huyện địa phương và sắp tới là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chúng tôi đưa ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của bộ máy chính quyền giúp thay đổi toàn diện cách thức tổ chức, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho bộ máy làm việc tại xã, phường. Hiện nay, Hanoi Telecom đang thực hiện chuyển đổi số tại Hồng Thái (Thái Bình), Yên Hoà (Ninh Bình), Vi Hương (Bắc Kạn) và sắp tới sẽ mở rộng thêm tại các địa phương thuộc miền Trung và miền Nam.